Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

TRĂNG & NGƯỜI
07:24 9 thg 8 2010Công khai10 Lượt xem57
 
1- Trăng Xưa
Tuổi thơ chạy nhẩy ngoài đồng
Dưới Trăng cùng bạn lội sông tắm truồng
Lớn khôn nhập ngũ lên đường
Vầng Trăng là bạn dặm trường gian nan
Bao năm gió núi mưa ngàn
Vầng Trăng chia sẻ cơ hàn gian truân
Trăng nâng nhịp bước hành quân
Trèo đèo lội suối vang ngân giọng hò
Mỗi lần lập chiến công to
Trăng cùng với lính hát hò thâu đêm
Lán thưa Trăng thức bên thềm
Canh cho người lính êm đềm mộng mơ
Trăng đi vào những vần thơ
Tâm hồn lính trẻ vô tư yêu đời
Trăng soi gương mặt sáng ngời
Vầng Trăng tình nghĩa một thời không quên
moon-photo03.jpg
2-Trăng nay
Phố phường chật chội bon chen
Nhà lầu, Cao ốc, ánh đèn sáng trưng
Trăng lên...e ngại, ngập ngừng
Chẳng ai để ý "người dưng" qua nhà
Đến khi mất điện mới la
Cao tầng, Biệt thự...nhập nhòa tối om
Vội vàng mở cửa ra nhòm
Sững sờ bắt gặp Trăng tròn ngoải hiên!
Vũ điệu sông quê (Ảnh NSNA Ngô Toàn Thắng) 
TRĂNG VÀ NGƯỜI – LỜI TÂM SỰ DỊU ÊM
  LỜI BÌNH CỦA NĐTHS - NGÔ TOÀN THẮNG
        Nếu chỉ đọc lướt qua TRĂNG VÀ NGƯỜI, ít ai nhận ra tác giả đang dùng hình tượng “Trăng xưa” và “Trăng nay” để nói về sự đổi thay trong lòng người muôn ngả. Chúng ta ai chả có một thời xưa cũ mộng mơ với tuổi thơ vô tư đầy ắp tiếng cười.
Tuổi thơ chạy nhẩy ngoài đồng,
Dưới Trăng cùng bạn lội sông, tắm truồng.
      Đất nước rơi vào cảnh loạn lạc, chiến tranh, tuổi thơ khép lại nhường chỗ cho một chặng đường dài chinh chiến gian nan.
Lớn khôn nhập ngũ lên đường,
Vầng Trăng là bạn dặm trường gian nan.
 Cái vầng trăng cụ thể của tự nhiên đã quá rõ ràng và chỉ vậy thôi có gì cần lưu tâm khi mà ai cũng tưởng biết rồi : Thời các cụ ngày xưa oanh liệt, hy sinh, dũng cảm và thật lãng mạn, lạc quan với chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt nam - một tấm gương ngời sáng lung linh để con cháu mỗi khi chiêm ngưỡng đều tỏ ra thán phục.
Bao đêm gió núi, mưa ngàn
Vầng trăng – chia sẻ cơ hàn, gian truân
Trăng nâng nhịp bước hành quân,
Trèo đèo, lội suối, vang ngân giọng hò
Không phải vậy. Với TRĂNG VÀ NGƯỜI, tác giả đã khéo léo chuyển tải một nhân sinh quan cuộc sống như một lời tâm sự dịu êm, vừa như nói riêng với mình vừa như nói với bạn đời một thời bom lửa khét nồng cây cỏ, rừng sâu, sông, suối, gió ngàn, mưa bể…và khi thắng trận hả hê thì không thể thiếu nhau giữa bộn bề trận mạc.
Mỗi lần lập chiến công to
Trăng cùng với lính hát hò thâu đêm
      Trăng như một con người cụ thể đã cùng nhau nếm trải gian truân và giúp nhau vượt lên nhưng tầm thường, nhỏ nhoi của cuộc sống để cùng vươn lên cái thanh cao mà những ngày xưa ấy gọi là lý tưởng. Lý tưởng nào có gì xa xôi viển vông đâu Trăng ơi! đó là giải phóng quê hương, giải phóng con người ra khỏi cảnh lầm than, cơ cực dưới những bạo tàn, khốc liệt do bọn xâm lược ngoại bang gây ra trên mảnh đất con Lạc cháu Hồng. Cùng sinh ra trong cái bọc trăm trứng nên gọi nhau là “ĐỒNG BÀO”, thế mà lại cầm vũ khí đâm chém lẫn nhau, gây nên bao cảnh tang thương, tàn lụi; còn Trăng thì vẫn thủy chung tử tế như tình đồng đội cùng chung chiến hào. Sự nhân cách hóa cho Trăng không thể độc đáo hơn và thật mới tôi chưa gặp bao giờ trong thơ văn mà tôi đã được xem:
Lán thưa trăng thức bên thềm,
Canh cho người lính êm đềm mộng mơ.
      Thực ra Trăng là một người lính khác đứng gác trong đêm để đồng đội được êm đềm trong giấc ngủ mộng mơ và ngày mai khi trận đánh bắt đầu khí phách của các anh hiên ngang khiến kẻ thù khiếp sợ. Nhưng đêm nay trong giấc ngủ mộng mơ, Trăng và người giao hòa chất phác, hiền khô  :
Trăng đi vào những vần thơ,
Tâm hồn lính trẻ vô tư yêu đời.
Trăng soi gương mặt rạng ngời 
Vầng Trăng tình nghĩa, một thời thân quen
      Đó là một phần cảm xúc mà tác giả nói về kỷ niệm “Trăng xưa” mà cả tác giả và người xem đều cảm thấy “thòm thèm, xao xuyến…”.Tôi nghĩ có lẽ thế là đủ để cho mỗi chúng ta sẽ còn tự cảm nhận thêm theo cách của riêng mình.
      Nếu chỉ thế thôi thì có gì đáng lưu tâm người xem đây nhỉ? cũng chỉ bâng khuâng, man mác, bồi hồi bồng bềnh xao xuyến cùng trăng ai mà chẳng có những lúc như vậy trong hành trình suy cảm đêm đêm khi trăng lên vời vợi gợi bao niềm lâng lâng nơi hồn ta thảng thốt.
      Phần “Trăng nay” chỉ với 08 câu lục bát (bằng một nửa “Trăng xưa”-16 câu), nhưng ý thơ đột ngột chuyển sang một tình cảm mang chất trí tuệ, trải nghiệm những băn khoăn không dễ lý giải. Sau chiến tranh, vầng trăng vẫn vậy chỉ có con người là đổi thay. Người còn người mất kẻ giàu, người nghèo. Kẻ có quyền cao, chức trọng về ở nhà lầu, cao ốc, nơi phố phường chật chội bon chen. Người lính trở về nơi đồng nội chân quê vẫn thường mong một ngày ra phố chơi thăm đồng đội cũ. Biết đâu trong những lần thăm ấy họ không còn,hay không muốn “nhận ra nhau” và coi như “người dưng, nước lã” chăng? Có lẽ tác giả đã có lần như vậy khi tìm đến “cầu cạnh” đồng đội xưa nay đang đảm trách chức trọng quyền cao nhằm tìm kiếm một cơ hội cho con cháu đang cần vươn tới những hoài bão ước mơ bay cao, bay xa trên con đường tương lai rộng mở? Chí ít cũng là một lần tao ngộ đồng môn, đồng tuế, đồng ngũ v.v… và “Trăng xưa” lên thành phố người đông, ánh điện sáng trưng và có thẻ rơi vào cảnh “người dưng”,e ngại ngập ngừng:
Phố phường chật chội, bon chen.
Nhà lầu, Cao ốc, ánh đèn sáng trưng.
Trăng lên… e ngại, ngập ngừng.
Chẳng ai để ý "người dưng" qua nhà.
      Mất điện ! Ôi thật độc chiêu. Một cái cớ đột ngột tung ra gây ấn tượng và lại còn kêu la nữa chứ. Ai la nào đành rằng người thành phố quen ánh điện rồi mất điện ai chẳng la lên : Lại mất điện rồi chán quá cơ! Khi ngập chìm trong cảnh nhập nhòa, tối om ấy thì mọi thứ đều như nhau, đều âu sầu, tăm tối. May thay còn có ánh trăng vẫn hồn nhiên, vô tư, thanh thản tít trên trời cao. Một thứ ánh sáng le lói luồn nhẹ qua ô chớp cửa sổ hút con người vào đó và dẫn tới hành động cũng đột ngột không kém: “Vội vàng mở cửa ra nhòm” để rơi tòm vào nỗi “sững sờ”. Thì ra đã bao ngày qua ta quên mất một : “người bạn đã từng thân quen” – TRĂNG TRÒN  - Đong đầy bao kỷ niệm tình người một thời gian khổ cơ hàn bên nhau.
Đến khi mất điện mới la
Cao tầng, Biệt thự...nhập nhòa tối om
Vội vàng mở cửa ra nhòm
Sững sờ bắt gặp Trăng tròn ngoài hiên!
Viết đến đây tôi không thể nén lòng mình và những giọt lệ đang trào ra khi nghĩ về những người đông đội nằm lại mãi mãi trên chiến trường xưa. Trăng vẫn luôn là người bạn thủy chung nâng linh hồn họ bay về nơi cực lạc công bằng. Còn những người đồng đội cao sang, đang sống nơi làu son, gác tía chắc sẽ chỉ nhớ đến Trăng khi mất điện thôi ư ???
Cảm ơn nhà thơ Ngô Thái đã cho chúng ta thưởng thức một lời tâm sự dịu êm về nhân sinh quan cuộc sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]